
TỔNG QUAN KIẾN TRÚC TỬ CẤM THÀNH
Tử Cấm thành có vị trí ở sau lưng điện Thái Hòa, được xây dựng vào năm Gia Long thứ ba, (1804) gọi là Cung Thành. Các vua Nguyễn kế tiếp tiếp tục xây dựng thêm… Năm Minh Mạng thứ ba (1822) vua đổi tên là Tử Cấm thành (Thành cấm màu tía).
Chu vi Tử Cấm thành gồm 307 trường 3 thước 4 tấc(1.229m36), trước và sau mỗi mặt dài 81 trượng (324m); tả và hữu mỗi mặt dài 72 trượng 6 thước 7 tấc (290m68). Thành cao 9 thước 3 tấc (3m72), dày 1 thước 8 tấc (0m72).
Như vậy, xét về bình diện, Tử Cấm thành là một hình chữ nhật.
Tử Cấm thành có 7 cửa: Nam là cửa Đại Cung (Đại Cung môn); đông là cửa Hưng Khánh, cửa Đông An; tây là của Gia Tường, cửa Tây An; bắc là cửa Tường Loan, cửa Nghi Phụng.
Cửa Đại Cung là cửa chính vào Tử Cấm Thành, được xây dựng năm Minh Mạng thứ 14 (1833), 5 gian, có 3 cửa tiếp nhau, trùng thiềm trùng lương, lợp ngói Hoàng lưu ly. Phía ngoài cửa treo tấm biển đề Đại Cung môn, phía trong cửa treo tấm biển để càn Thành cung.
Sau Đại Cung môn là một cái sân rộng, rồi đến điện Cần Chánh, là vua nơi làm việc và thiết thường triều. Các sắp đặt trong điện Cần Chánh, cũng tương tự như điện Thái Hòa. Gian giữa đặt ngai vua, tả hữu treo gương và bản đồ thành trì các tỉnh. Trước sân đặt hai vạc lớn bằng đồng do Kan de la Croix đúc cho chú Hiền Nguyễn Phúc Tần.
Hai bên điện Cần Chánh có hai nhà Tả vu và Hữu vu là nơi các quan ngồi chờ và sửa sang chính đốn lại phẩm phục trước khi vua thiết thường triệu vào buổi sáng.
Chải bắc nhà Tả vu là điện Cơ Mật, chải nam là phòng Nội các. Tại đây tập trung các phiến tấu của các Bộ, nha được dâng lên vua ngự lãm.
Sau điện Cần Chánh là điện Càn Thành, đây là nơi vua ở. Trước điện có một cái sân rộng giữa có đường dùng đạo lát đá. Trước sân có ao sen rồi đến một cái bình phong.
Sau điện Càn Thành là cung Khôn Thái (nguyên dưới triều Gia Long tên là cung Khôn Đức. Đến triều Minh Mạng thứ 14 (1833), vua đổi tên là Khôn Thái. Đây là chỗ ở của Hoàng Quý Phi).
Điện chính của cung này là điện Cao Minh Trung Chính (nguyên tên là cung Khôn Nguyên). Hiên phía đông của điện gọi là Viện Tịnh Quang, nhà hát riêng của vua, do Nội cung diễn tuồng cho riêng vua và Hoàng Qúy Phi xem, khác với Duyệt Thị Đường là nơi các quan và các sứ thần ngoại quốc vào xem được, và do đội tuồng ở Thị Thanh Bình diễn.
Sau cung Khôn Thái là lầu Kiến Trung. Nguyên chỗ này xưa là lầu Minh Viễn làm năm Minh Mạng thứ 8 (1827). Lầu có 3 tầng, 3 gian, 2 chái, cao 2 trượng 7 thước (10m80) lợp ngói Hoàng lưu ly, lầu này dùng để quan sát cảnh tượng từ xa. Trên lầu có viễn vọng kính. Năm Tự Đức thứ 29, lầu Minh Viễn bị triệt giải, đến năm Duy Tân thứ 7 (1913), vua cho làm lại một cái lầu khác theo kiểu mới gọi là lầu Du Cửu. Năm Khải Định thứ nhất ( 1916 ) cải tên là lầu Kiến Trung. Nhưng vì lầu chật hẹp quá nên năm 1921 vua thân chế kiểu thức, tham chước Âu Á và sắc bộ công y theo mà làm, đến năm 1923 mới xong.
Trên đây là các cung điện chính của Tử Cấm Thành, sắp đặt trên một đường thẳng sau cửa Đại Cung.
Các cung điện, lầu tạ khác ở hai bên tả hữu gồm:
Phía đông nhà Tả vu có gác Đông Các làm năm Minh Mạng thứ 7 (1826) hai tầng cao. Phía Nam là có Tu Khuê thơ lầu (lầu chứa sách).
Bên Tả điện Cần Chánh là điện Văn Minh, bên hữu là điện Võ Hiển, đều xoay mặt hướng Nam, mái chồng, lợp ngói thanh lưu ly.
Khoảng giữa hai điện Cần Chánh và Càn Thành; bên tả có điện Quang Minh, xây về hướng Đông; bên hữu có điện Trinh Minh, xây về hướng Tây, làm năm Gia Long thứ 9 (1811). Năm Minh Mạng thứ 11 (1830) trùng tu lại. Điện Quang Minh trước là chỗ ở của Đông cung hoàng tử, điện Trinh Minh là chỗ ở của các bà phi.
Phía Đông điện Quang Minh của Duyệt Thị Đường là nhà hát rất cao rộng, đẹp đẽ dành cho vua và các quan xem hát, phía Đông Duyệt Thị Đường có nhà Thượng Thiện, chỗ nấu ăn cho vua, Viện Thái Y nơi dành riêng cho các thầy thuốc nhà vua và thị vệ trực phòng – chỗ túc trực của võ quan hầu cận.
Bên tả điện Càn Thành là một cái vườn, trong dựng điện Minh Thận, trước điện xây một hồ vuông gọi là hồ Quang Văn, phía Tây hồ có gác Tứ Phương Vô Sự, Bắc có lầu Tự Cường, Đông có lầu Nhật Thành, đều làm năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) đến triều Thành Thái triệt giải hết, chỉ để lầu Nhật Thành.
Khoảng giữa điện Càn Thành và điện Cao Minh Trung Chính bên hữu có viện Thuận Huy là chỗ ở của các bà Tân.
Phía Tây viện Thuận Huy có 5 viện nữa là: Viện Đoạn Thuận, viện Đoan Hòa, viện Đoan Huy, Viện Đoan Trang, viện Đoan Tường là chỗ ở của các cung phí mới nhập cung. Tên lục viện phát xuất từ 6 viện này. Bên tả có viện Dưỡng Tâm làm năm Gia Long thứ 9 (1810) xây về hướng Đông là nơi vua đến nghỉ ngơi xem sách những khi nhàn rỗi.
Phía Đông Viện Dưỡng Tâm có vườn Thiệu Phương làm năm Minh Mạng thứ 9 (1928) chung quanh có tường bao bọc. Giữa vườn có hồi lang đi ra bốn phía và tiếp mái với nhau như hình chữ vạn (卍) nên gọi vạn tự hồi lang. Trong vườn Thiệu Phương còn có Di Nhiên đường, Vĩnh Phương hiên, Cảm Xuân đường, Hàm Xuân hiên, lạch nước Ngư Câu, núi Trích Thúy, điện Hoàng Phúc; đều làm năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) đến triều Đồng Khánh thì triệt giải.
Phía Bắc vườn Thiệu Phương còn có một vườn nữa gọi là vườn ngự uyển là vườn hoa để vua và các vương phi đến xem hoa. Trong vườn có ao Ngọc Dịch, lại có tiểu ngự hà dẫn nước hồ Kim Thủy từ Đông sang Tây vườn ngự uyển, nhận nước của hồ Phúc Hoằng, có điện Thiên Thân, trong hồ đắp núi Tú Nhuận, trên núi có đình Vọng Hà.
Phía Bắc tiểu ngự hà có Trí Nhơn đường làm năm Minh Mạng thứ 2 (1821) sau vua Đồng Khánh xây dựng lại, đổi tên là Thái Bình Ngự Lâm Thi lầu.
Lại có lầu Thúy Quang để thờ trời và các vì sao: chùa Hoằng Ân thờ Phật, miếu Uy Linh tướng Hựu thờ Quan Công đều làm dưới triều Thiệu Trị, đến triều Thành Thái triệt giải hết.
Đó là các công trình kiến trúc chính trong Tử Cấm thành. Nhìn tổng quát các công trình này, chúng ta thấy có đủ các cung điện, lầu các, cổng vườn, ao hồ, núi sông, nhà hát… Những công trình để phục vụ cho sinh hoạt người đương thời, cao nhất là vua, thứ đến là Hoàng quý phi, các vương phi và cung phi khác, ngoài ra còn có thái giám, nữ quan, thị nữ, nô tỳ, thị vệ, lương y, và các nhân viên phục vụ cho việc thượng thiện của nhà vua.
Ngoài ra còn một số công trình kiến trúc dành cho tín ngưỡng tâm linh như chùa thờ Phật, lâu, miếu thờ trời, tinh tú và cả Quan Công, một nhân vật lịch sử của Trung Quốc.
Có thể nói, tuy Tử Cấm thành triều Nguyễn không lớn, nhưng nó là nơi phản ánh đầy đủ và rõ nét nhất cuộc sống của vị vua đương nhiệm, cho ta thấy được nếp sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần không những của vua và hoàng phi mà còn biết bao con người phục vụ khác, đủ mọi thành phần, lứa tuổi, giới tính trong một diện tích gần 84.000 mét vuông.
Tiếng trung Anfa : https://tiengtrungcoban.vn
Fanpage: ANFA – TIẾNG TRUNG CƠ BẢN
Địa chỉ: Chùa Láng, Đống Đa . 096 568 52 66
_St_