
LỤC TÀI TỬ – 6 BỘ SÁCH VĂN HỌC HAY BẬC NHẤT CỦA TRUNG QUỐC
Văn học Trung Quốc được biết đến là một kho tàng văn học vô cùng phong phú và đa dạng cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, trải qua hàng nghìn năm với hàng vạn tác phẩm mang tính nhân văn và tính hiện thực sâu sắc.
Vào cuối đời Minh, đầu thời Thanh, trong việc đánh giá văn học cổ điển Trung Quốc, nhà phê bình Kim Thánh Thán đã chọn trong rừng văn học sáu bộ sách hay nhất mà ông gọi là “Lục tài tử”, chính là:
- “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử.
- “Sử Ký” của Tư Mã Thiên.
- Thơ Đỗ Phủ.
- “Ly Tao” của Khuất Nguyên.
- “Thủy Hử” của Thi Nại Am.
- “Tây Sương Ký” của Vương Thực Phủ
- “Nam Hoa Kinh”
Đây là một tác phẩm triết học mang nhiều giá trị văn học của Trang Tử (350? – 280? TCN) đại biểu của phái Đạo gia thời Chiến Quốc. “Nam Hoa Kinh” thể hiện những tư tưởng triết học trừu tượng qua hàng loạt những câu truyện ngụ ngôn hấp dẫn và những hình tượng nghệ thuật bay bổng, độc đáo. Mặc dù đây là tác phẩm văn học triết học nhưng lại rất dễ hiểu. Quan niệm “văn sử triết bất phân” khá rõ ràng. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ Trung Quốc đời sau chịu ảnh hưởng tư tưởng vả nghệ thuật của “Nam Hoa Kinh”.
- “Sử Ký”
Vốn có tên là “Sách Thái sử công”, là một cuốn sách lịch sử đồ sộ của nhà Sử học – Văn học lớn thời Tây Hán là Tư Mã Thiên (145? TCN – 90? TCN), ghi chép lịch sử ba ngàn năm của xã hội Trung Quốc từ thời Hoàng đế trong truyền thuyết đến thời Hán Vũ Đế. Một biển trời mênh mông các nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Trung Quốc thời xưa đều được khắc họa trọn vẹn và rõ nét trong tác phẩm như Tần Thủy Hoàng, Nhị Đế, Lưu Bang, Hạng Võ, Hàn Tín, Kinh Kha, Nhiếp Chính, Tô Tần, Khổng Tử, Khuất Nguyên,…
- Thơ Đỗ Phủ
Là tên gọi chung cho các tác phẩm thơ của nhà thơ vĩ đại đời Đường là Đỗ Phủ (712 -770). Đỗ Phủ hiệu là Thiết Lăng, tự Tử Mỹ, là nhà thơ hiện thực, được người đời ca tụng là “Thi Thánh” (ông thánh về thơ) và thơ ông được gọi là “Thi Sử” (lịch sử bằng thơ) hay “Đồ Kinh” (bản đồ về địa lí). Đỗ Phủ rất thông minh, bảy tuổi đã biết làm thơ. Ông để lại cho đời 1400 bài thơ trong đó có nhiều tác phẩm kiệt xuất. Thơ ông đại bộ phận là thơ trữ tình, giàu tính hiện thực, đạt đến đỉnh cao của thơ Đường.
- “Ly Tao”
Là tác phẩm của nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên thời Chiến quốc (340 – 278 TCN), là tác phẩm trường thi trữ tình dài nhất trong thơ ca cổ điển Trung Quốc, gồm 373 câu, hơn 2400 chữ, chia làm 8 phần. Đây được coi là “vô tiền khoáng hậu” (đời trước không có và đời sau cũng không có) và “tiền thế vị văn, hậu thế mạc kế” (đời trước chưa nghe và đời sau không thể bì kịp). “Ly Tao” thuật lại đầy đủ gia thế, hoài bão, lý tưởng, tâm trạng, nỗi buồn và cảnh ngộ của Khuất Nguyên khi ông ra đời đến khi ông ôm đá nhảy xuống sông Mịch La tự vẫn.Tác phẩm tràn đầy màu sắc lãng mạn, toát lên nội dung yêu nước thương dân cao độ.
- “Thủy Hử truyện”
Tác phẩm được tác giả Thi Nại Am sáng tác dựa trên các truyền thuyết thoại bản, tạp kịch tản mát trong dân gian về sự tích 36 người khởi nghĩa do Tống Giang cầm đầu có thật trong lịch sử thời Bắc Tống. Tác phẩm ra đời vào đầu thời Minh và cùng với “Tam quốc chí diễn nghĩa” đứng sừng sững trong lịch sử văn học Trung Quốc. “Thủy Hử truyện” kể lại sự tích kể lại sự tích của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc do Tống Giang đứng đầu. Với tinh thần “quan bức dân phản”, cuộc khởi nghĩa phát triển mạnh mẽ. Sau khi Tống Giang bị chiêu an, khởi nghĩa Lương Sơn Bạc thất bại, 108 vị anh hùng chỉ còn lại 27 vị, nhưng chấn động còn để vang danh đến mãi đời sau.
- “Tây Sương ký”
Đây là tên của một vở nhạc kịch được sáng tác bởi Lương Thực Phủ, một nhà viết kịch thời Nguyên, tác giả của 43 vở kịch nổi tiếng. Vở “Tây Sương ký” bắt nguồn từ “Oanh Oanh truyện”của Đồng Giải Nguyên đời Kim, kể lại mối tình của nhân vật Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy. Về mặt nghệ thuật, “Tây Sương ký” là mẫu mực, là một vở kịch lớn, văn hay, ý thơ đậm đà.
Việc Kim Thánh Thán xếp loại sáu bộ tác phẩm được coi là hay nhất của văn học cổ điển Trung Quốc trên đây có đúng và khách quan hay không còn là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, còn nhiều ý kiến nhận xét gây tranh cãi và tùy thuộc vào sự cảm thụ văn học của mỗi người.
Tiếng trung Anfa : https://tiengtrungcoban.vn
Fanpage: ANFA – TIẾNG TRUNG CƠ BẢN
Địa chỉ: Chùa Láng, Đống Đa . 096 568 52 66