30 TIPS HỌC TIẾNG TRUNG CỰC KÌ HIỆU QUẢ MÌNH ĐÃ ĐÚC RÚT RA SAU 18 NĂM HỌC TIẾNG TRUNG & 13 NĂM DẠY TIẾNG TRUNG
30 TIPS HỌC TIẾNG TRUNG CỰC KÌ HIỆU QUẢ MÌNH ĐÃ ĐÚC RÚT RA SAU 18 NĂM HỌC TIẾNG TRUNG & 13 NĂM DẠY TIẾNG TRUNG:
15 tip đầu tiên dành cho những bạn mới bắt đầu :
1. Biết “học tranh thủ” thay vì “đến giờ học mới học”.
2. “Học tranh thủ” cả về không gian, chứ không phải “ngồi vào bàn học mới học”.
3. Tần suất học quan trọng hơn cường độ học (đều hơn nhiều) .
Ví dụ học 30p/ngày liên tục trong 1 tháng, còn hơn một ngày học 3 tiếng nhưng 1 tháng chỉ được 1 ngày.
4. Biết chọn lọc kiến thức từ các nguồn thay vì bạ nguồn nào học nguồn đấy, tràn lan, không có sự sàng lọc, lựa chọn.
5. Sử dụng các chương trình truyền hình, các app giải trí phục vụ cả mục đích học tập thay vì xem chỉ để giải trí thông thường.
6. Mới học thì học chắc phát âm trước khi bắt đầu tất cả những thứ khác, thật nhẫn nại và nâng cao tiêu chuẩn.
7. Học trọng tâm, học sâu, lặp đi lặp lại các kiến thức gốc thay vì học tràn lan, mỗi chủ đề, mỗi nội dung, mỗi nơi một ít.
8. Vừa học vừa lướt điện thoại, vừa check tin nhắn sẽ tốn gấp 3 lần thời gian.
9. Nghe nhạc không giúp người học trong giai đoạn đầu, chỉ nên nghe nhạc (để học từ vựng nếu cần) khi bạn đã nắm chắc phát âm, còn không thì nghe để giải trí thôi, đừng học theo.
10. Tải ít app thôi, nhưng là những app hữu dụng, và tải về thì phải dùng.
11. Có một cuốn sổ nhỏ, gọn (bằng lòng bàn tay) để ghi chú những từ vựng, kiến thức lượm lặt, luôn mang theo bên mình, lâu lâu mở ra xem, ko phải để học thuộc lòng trong chốc lát, mà để tăng lượt tiếp xúc, từ đó ngấm dần một cách tự nhiên, không áp lực.
12. Những khi không muốn học thì khoan hãy mở FB ra lướt, thay vào đó hãy mở Youtube, tìm một video nào đó trong số những kênh hay ho mà bạn theo dõi, nghe nó, thả lỏng và nghe.
13. Đứng nói chuyện trước gương ngày 1-2 lần (ví dụ lúc đánh răng, rửa mặt, hãy tự nói về kế hoạch 1 ngày hoặc tổng kết 1 ngày của mình).
14. Viết ra những việc cần làm trong tuần và bám sát nó cho tới khi hoàn thành (ví dụ học 5 từ vựng, nghe 1 video, nghe 1 posd cast hay bất cứ điều gì bạn muốn.)
15. Đừng quá áp lực vào kết quả, hãy tận hưởng quá trình, như thể đang chơi 1 game.
Và 15 tip tiếp theo dành cho những bạn đọc muốn nâng cao trình độ nhanh hơn:
16. Học mở rộng. Ví dụ học xong từ “mưa” thì chưa cần học ngay từ “nắng” – thay vào đó hãy học “mưa bụi, mưa rào, mưa bóng mây, mưa bão”; học xong từ “áo” thì chưa cần học ngay sang “quần” mà hãy học “áo len, áo sơ mi, áo khoác, áo ba bỗ, cổ áo, tay áo, cúc áo…”
17. Khi học từ vựng, nên chủ động tìm kiếm cả những từ đồng nghĩa – cận nghĩa – trái nghĩa của từ đó.
18. Học từ vựng hay mẫu câu xong thì phải đặt câu ngay lập tức, không học các từ vựng đơn lẻ.
19. Tập viết nhật ký/ caption bằng tiếng Trung.
20. Tập cách ghi chép hiệu quả (bằng nhiều màu mực, bút nhớ, giấy nhớ, mind map…)
21. Học tập sâu – “sâu” ở đây là về sự tập trung (có thể tham khảo và áp dụng phương pháp Pomodoro)
22. Kết bạn cùng học (tải các app làm quen kết bạn, làm quen với người bản xứ, và thường xuyên sử dụng, mạnh dạn sử dụng).
23. Chia sẻ lại kiến thức đã học cho người khác (chia sẻ trực tiếp hoặc trên FB cá nhân, trong cách hội nhóm cùng học…).
24. Đọc sách, truyện tiếng Trung (bắt đầu từ những nội dung đơn giản, gần gũi – ví dụ như truyện tranh, truyện thiếu nhi).
25. Quay video luyện nói về các chủ đề (nên làm thành thói quen, về sau bạn xem lại sẽ thấy rõ sự khác biệt và tiến bộ của bản thân qua từng giai đoạn.)
26. Chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác, chủ động bắt chuyện.
27. Sau mỗi nội dung/ chủ đề/ chương học – chủ động làm bảng tóm tắt kiến thức (dạng sơ đồ mind map).
28. Nghe thời sự tiếng Trung (để tăng độ khó).
29. Cân bằng “đầu vào” và “đầu ra” của ngôn ngữ.
Nghe chính là đầu vào –> Nói là đầu ra.
Đọc chính là đầu vào –> Viết là đầu ra.
Có đầu vào thì phải có đầu ra thì việc học mới hiệu quả.
30. Chuyển hóa “kiến thức bị động” thành “kiến thức chủ động” – tức là biến những gì đọc được, học được, hiểu được, nghe được thành “DÙNG ĐƯỢC”.