
TẾT TRUNG THU TẠI TRUNG QUỐC
Tết Trung Thu, hay còn được gọi là Tết Đoàn Viên hay Tết Bái Nguyệt là một trong những ngày lễ tết lớn nhất tại Trung Quốc. Ngày lễ tết này bắt nguồn từ thời nhà Đường, sang đến thời nhà Tống bắt đầu được coi trọng hơn. Đến đời nhà Thanh cùng với Tết Nguyên Đán là hai ngày lễ tết lớn nhất trong năm.
Từ xa xưa, tết Trung Thu phải có các hoạt động: tế nguyệt, hưởng nguyệt, bái nguyệt, thưởng thức hoa quế và uống rượu hoa quế đều được lưu truyền đến bây giờ.
Tại Trung Quốc vào ngày tết Trung Thu có những hoạt động gì, chúng ta cùng tìm hiểu nhé:
Bái Nguyệt
Phong tục “Bái Nguyệt“ có từ thời Bắc Tống (960-1127). Cứ hằng năm vào đêm Trung Thu, mọi người tràn ngập khắp kinh thành, bất luận giàu nghèo, bất luận già trẻ, đều thắp nhang bái lạy thần mặt trăng nói lên tâm nguyện của chính mình, cầu Nguyệt thần phò hộ.
Tương truyền thời cổ đại, ở nước Tề có một nàng con gái dung nhan rất xấu xí, thuở nhỏ đã từng kiền thành lễ bái mặt trăng, sau khi trưởng thành với phẩm đức siêu quần nàng được tiến cung, nhưng không được nhà vua sủng hạnh. Năm đó vào ngày rằm tháng 8 thưởng trăng, thiên tử trông thấy nàng đang bái nguyệt. Dưới ánh trăng, nhan sắc nàng xinh đẹp, cốt cách lại xuất chúng , sau đó vua lập nàng lên ngôi hoàng hậu, Trung Thu Bái Nguyệt xuất phát từ đó.
Thường Nga (Hằng Nga) trong mặt trăng, do nhan sắc mỹ miều mà được người đời xưng tụng, cho nên các thiếu nữ bái lạy mặt trăng, thường cầu nguyện “dung mạo như Thường Nga, mặt tợ trăng rằm”.
Những phong tục tập quán về tiết Trung Thu rất phong phú, hình thức cũng không giống nhau, nhưng đều ký thác lòng yêu thương vô hạn và sự tốt đẹp vĩnh hằng mà con người luôn hướng về.
Ăn bánh Trung thu
Đêm rằm tháng 8, người dân Trung Quốc có thói quen ăn bánh Trung thu. Ban đầu, chiếc bánh này là vật cúng tế thần mặt trăng, sau này ăn bánh và ngắm trăng trở thành hai việc không thể thiếu trong đêm Trung thu bởi nó tượng trưng cho đoàn viên. Ngày nay, đã có những nơi chuyên sản xuất bánh Trung thu. Các nghệ nhân làm bánh nghiên cứu rất kỹ càng nhân bánh, vỏ bánh, chính vì vậy, càng ngày chiếc bánh Trung thu càng phong phú, đa dạng, tinh tế, thanh nhã.
Không chỉ có nhân bánh thơm ngon, vỏ bánh còn được in nhiều hình cầu kỳ bắt mắt: Hằng Nga bay lên cung trăng, đêm trăng ngân hà, tam đàn ấn nguyệt… Người dân cũng gửi gắm rất nhiều tâm tư tình cảm vào chiếc bánh. Họ dùng nó để thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết, nhớ người thân cháy bỏng, hy vọng cuộc sống hạnh phúc viên mãn.
Thả đèn dưới sông
Việc thả đèn xuống sông trong ngày Trung thu có ý nghĩa rất đặc biệt đối với thiếu nữ và các em nhỏ. Họ dùng giấy dầu làm thành chiếc đèn hình hoa sen, hình chiếc thuyền… sau đó thắp một ngọn nến, thả xuống sông hồ. Trước khi thả đèn phải thành tâm cầu nguyện, để chiếc đèn mang những nguyện ước của mình bay xa, cho ước vọng trở thành sự thật.
Giải câu đố
Đêm rằm Trung thu ở những nơi công cộng người dân treo rất nhiều đèn lồng, mọi người tập trung lại với nhau, cùng nhau giải những câu đố ghi trên đèn lồng. Đây là hoạt động mà nam thanh nữ tú rất ưa chuộng, trò chơi này đã làm nên vô số giai thoại tình yêu. Vì thế, giải câu đố trong đêm Trung thu trở thành phương pháp bày tỏ tình yêu của các đôi nam nữ.
Ngắm hoa quế, uống rượu hoa quế
Mọi người trong đêm trung thu thường ăn bánh trung thu, ngắm hoa quế và ăn các đồ ăn làm từ hoa quế như: bánh hoa quế, kẹo hoa quế…
Đêm trung thu, ngắm trăng tròn, ngửi mùi thơm hoa quế, uống một chén rượu hoa quế, mọi người vui vẻ bên nhau.
Rước đèn trung thu
Không có được các lễ hội đèn như tết nguyên đán, tết Trung Thu mọi người chủ yếu rước đèn lồng trong nhà, hoặc là các em nhỏ sẽ tụ tập thành một nhóm cùng nhau đi rước đèn.
Tiếng trung Anfa : https://tiengtrungcoban.vn
Fanpage: ANFA – TIẾNG TRUNG CƠ BẢN
Địa chỉ: Chùa Láng, Đống Đa . 096 568 52 66
Tag:trung thu