3 NGÀY “XỬ GỌN” BẢNG CHỮ CÁI TIẾNG TRUNG – HƯỚNG DẪN ĐỌC, PHÁT ÂM CHUẨN TRUNG QUỐC
I.KHÁI QUÁT VỀ BẢNG PHIÊN ÂM TRONG TIẾNG TRUNG:
Trong tiếng trung, PINYIN (拼音) có thể coi là bảng chữ cái tiếng trung. Đối với những người học giản thể hay phồn thể đều phải dựa PINYIN để biết cách phát âm sao cho đúng. Do vậy mà PINYIN ra đời đã đem lại rất nhiều lợi ích cho những người muốn học tiếng trung, thậm chí ngay cả học sinh Trung Quốc cũng phải dùng đến nó để tập phát âm.
1. BẢNG PHIÊN ÂM PINYIN
(Gồm thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu).
A. THANH MẪU (Gồm 21 thanh mẫu)
b | p | m | f |
d | t | n | l |
g | k | h | |
j | q | x | |
z | c | s | |
zh | ch | sh | r |
- Nhóm âm môi- môi và răng-môi:
b | Hai môi khép chặt. Sau đó thì bật mở nhanh để cho luồng hơi đi ra (Không bật hơi) |
p | Vị trí môi giống âm “b” phía trên nhưng luồng hơi đè ép đẩy ra ngoài (âm bật hơi) |
f | Răng trên chạm môi dưới, có khe hở để luồng hơi qua đó ma sát đi ra ngoài (âm bật hơi) |
m | Hai môi khép lại, lưỡi hạ xuống, luồng khí theo khoang mũi ra ngoài |
- Nhóm âm đầu lưỡi giữa
d | Đầu lưỡi chạm vào chân răng trên, giữ hơi trong khoang miệng và hạ đầu lưỡi xuống thật nhanh khiến luồng hơi đột ngột ra ngoài, dây thanh không rung (Âm đầu lưỡi giữa, không bật hơi) |
t | Vị trí của các cơ quan phát âm giống âm “d” nhưng cần đẩy mạnh hơi ra, dây thanh không rung (Âm đầu lưỡi giữa, bật hơi) |
n | Đầu lưỡi chạm vào lợi trên, ngạc mềm. Lưỡi con hạ xuống, khoang mũi mở, dây thanh không rung (Âm mũi) |
l | Đầu lưỡi chạm vào lợi trên, so với âm “n” lùi về phía sau nhiều hơn, luồng hơi đi qua hai đầu lưỡi, dây thanh rung (Âm bên) |
- Nhóm âm cuống lưỡi:
g | Cuống lưỡi nâng cao sát ngạc mềm. Sau khi trữ hơi, hạ nhanh phần cuống lưỡi xuống để hơi đi ra ngoài một cách đột ngột, dây thanh không rung (Không bật hơi) |
k | Vị trí phát âm giống âm “g” nhưng cần đẩy mạnh hơi ra, dây thanh không rung (Bật hơi) |
h | Cuồng lưỡi tiếp cận với ngạc mềm, luồng hơi từ khoang giữa ma sát đi ra, dây thanh không rung (âm xát trong) |
- Nhóm âm mặt lưỡi
j | Mặt lưỡi áp sát vào ngạc cứng, đầu lưỡi hạ xuống mặt sau của răng dưới, luồng hơi từ khoảng giữa mặt lưỡi trên ma sát với ngạc cứng để đi ra ngoài, dây thanh không rung (Không bật hơi, tắc xát trong) |
q | Có vị trí phát âm như âm “j” nhưng bật mạnh hơi ra (Bật hơi, tắc xát trong) |
x | Mặt lưỡi gần với ngạc cứng, luồng hơi từ mặt lưỡi trên ma sát với ngạc cứng đi ra ngoài, dây thanh không rung (xát trong) |
- Nhóm âm đầu lưỡi trước
z | Đầu lưỡi thẳng, chạm vào mặt sau của răng trên, sau đó lùi lại cho luồng hơi từ khoang miệng ma sát ra ngoài, dây thanh không rung (Không bật hơi, tắc xát trong) |
c | Vị trí phát âm giống “z”, cần bật hơi mạnh ra (Bật hơi) |
s | Khi phát âm, đầu lưỡi tiếp cận với răng cửa và và luồng hơi từ chỗ mặt lưỡi và răng ma sát ra ngoài |
- Nhóm âm đầu lưỡi sau
zh | Đầu lưỡi cong lên chạm vào ngạc cứng, luồng hơi từ chỗ đầu lưỡi và ngạc cứng ma sát ra ngoài, dây thanh không rung (Không bật hơi) |
ch | Vị trí phát âm giống âm “zh” nhưng bật mạnh hơi ra (Bật hơi) |
sh | Đầu lưỡi cong lên tiếp cận ngạc cứng, luồng hơi từ ngạc cứng đi qua khen giữa ngạc cứng và lưỡi đi ra ngoài |
r | Vị trí phát âm giống như sh, nhưng r là âm xát, đục, dây thanh rung (âm đục, xát) |
B. VẬN MẪU
Có 36 vận mẫu: 6 vận mẫu đơn , 13 vận mẫu kép, 16 vận mẫu âm mũi, 1 vận mẫu âm uốn lưỡi
- 6 vận mẫu đơn:
a | Mở rộng miệng, lưỡi hạ thấp, môi không tròn |
o | Mở miệng vừa phải, lưỡi hơi cao và lùi về sau, môi tròn |
e | Mở miệng vừa phải, lưỡi hơi cao, môi không tròn (Gần giống “ưa” trong tiếng việt) |
i | Đầu lưỡi dính với răng dưới, hai môi giẹp (kéo dài khóe môi như kiểu nhoẻn miệng cười). |
u | Đọc gần giống “u” trong tiếng Việt môi tròn |
ü | Vị trí lưỡi giống âm “i” nhưng môi phải tròn trong suốt quá trình phát âm |
- 13 vận mẫu kép
ai | Đọc gần giống “ai” trong tiếng Việt. Đọc hơi kéo dài âm “a” rồi chuyển sang i |
ei | Đọc gần giống “ây” trong tiếng Việt. Đọc hơi kéo dài âm “e” rồi chuyển sang i |
ao | Đọc gần giống “ao” trong tiếng Việt. Đọc hơi kéo dài âm “a” rồi chuyển sang âm “o” |
ou | Đọc gần giống “âu” trong tiếng Việt. Phát âm “o” rồi lập tức chuyển sang âm “u” |
ia | Phát âm “i” rồi lập tức chuyển sang “a” |
ie | phát nguyên âm “i” trước, sau đó lập tức chuyển sang phát nguyên âm “e”. |
ua | Đọc gần giống “oa” trong tiếng Việt. Phát âm “u” trước rồi lập tức chuyển sang a. |
uo | Đọc gần giống “ua” trong tiếng Việt. Phát âm “u” trước rồi lập tức chuyển sang âm “o” |
iao | Đọc “i+ao” , phát âm “i” rồi lập tức chuyển sang nguyên âm kép “ao” |
iou | Đọc “i + ou”, phát âm “i” rồi lập tức chuyển sang nguyên âm kép “ou” |
uai | Đọc “u+ai” phát âm “u” rồi lập tức chuyển sang nguyên âm kép “ai” |
uei | Đọc “u+ei” phát âm “u” rồi lập tức chuyển sang nguyên âm kép “ei” |
üe | Phát âm “ü” rồi lập tức chuyển sang nguyên âm “e” |
- 16 vận mẫu âm mũi: Chú ý các âm kết thúc là vận mẫu mũi “n” có xu hướng miệng đóng. Còn “ng” thì có xu hướng miệng mở.
an | Đọc gần giống “an” trong tiếng Việt |
en | Đọc gần giống “ân” trong tiếng Việt |
in | Đọc gần giống “in” trong tiếng Việt |
ün | Đọc gần giống “uyn” trong tiếng Việt |
ian | Đọc gần giống “i+an” trong tiếng Việt |
uan | Đọc gần giống “oan” trong tiếng Việt |
üan | Đọc gần giống “uy+an” trong tiếng Việt |
uen | Đọc gần giống “u+ân” trong tiếng Việt |
ang | Đọc gần giống “ang” trong tiếng Việt |
eng | Đọc gần giống “âng” trong tiếng Việt |
ing | Đọc gần giống “i+ing” trong tiếng Việt |
ong | Đọc gần giống “ung” trong tiếng Việt |
iong | Đọc gần giống “oan” trong tiếng Việt |
iang | Đọc gần giống “i+ang” trong tiếng Việt |
uang | Đọc gần giống “oang” trong tiếng Việt |
ueng | Đọc gần giống “u+âng” trong tiếng Việt |
vận mẫu uốn lưỡi: “er”
C. THANH ĐIỆU: (4 thanh)
Thanh 1: /ā/ Đọc đều, ngang và bằng, kéo dài âm độ cao 5-5. Thanh 2: /á / Đọc khá giống dấu sắc trong tiếng Việt ( âm độ từ trung bình lên cao theo chiều 3-5) Thanh 3: /ǎ /Âm sắc theo chiều từ 2 xuống 1 sau đó lên độ cao 4 . Tuyệt đối không đọc tương đương với dấu hỏi trong tiếng Việt Thanh 4: /à / Lên cao giọng rồi xuống 1 cách dứt khoát (độ cao 5-1). Chú ý: Trong tiếng Trung xuất hiện thanh nhẹ (hay còn gọi là thanh không), thanh này không được biểu hiện bằng dấu, đọc gần giống thanh nặng trong Tiếng Việt, nhưng độ nặng sẽ nhẹ hơn.
*Mẹo: Hất tay theo cao độ mình đọc
D. Quy tắc cần nắm chắc:
Quy tắc 1: Vận mẫu i, u, ü khi đứng một mình trở thành âm tiết độc lập thì ta phiên âm như sau:
- Những âm bắt đầu bằng i-, nếu sau nó là một phụ âm hoặc không có gì thì ta thêm “y” vào phía trước, còn sau đó là 1 nguyên âm thì ta thay “i” bằng “y”.
Ví dụ: i => yi, in=> yin, ia=> ya, iou=> you
- Những âm bắt đầu bằng u-, nếu sau nó là một phụ âm hoặc không có gì thì ta thêm “w” vào phía trước, còn sau đó là 1 nguyên âm thì ta thay “u” bằng “w”
Ví dụ: u => wu, ua=>wa, uo=>wo
- Những âm bắt đầu bằng ü-, thì ta thêm y vào phía trước và bỏ dấu 2 chấm trên đầu.
Ví dụ: ü => yu, üe=> yue
Quy tắc 2: Biến điệu thanh 3
– Hai âm tiết cùng mang thanh 3 đi liền nhau, thì âm tiết đầu đọc thành thanh 2. VD: 你好 nǐ hǎo -> ní hǎo – Với ba âm tiết cùng mang thanh 3 đi liền nhau thì hai âm tiết đầu đọc thành thanh 2, hoặc ta biến điệu ngắt theo từng cặp từ có nghĩa. VD: 我很好 Wǒ hěn hǎo-> “Wǒ hén hǎo” hoặc “wó hén hǎo” – Với 4 âm tiết cùng mang thanh thứ 3 thì âm tiết đầu và âm tiết thứ 3 đọc thành thanh 2. VD: 我也很好 Wǒ yě hěn hǎo -> Wó yě hén hǎo
- Nếu sau âm tiết thanh 3 là âm tiết mang thanh 1, thanh 2, thanh 4 thì ta chỉ đọc nửa thanh 3, đọc gần giống dấu hỏi trong tiếng Việt.
VD:很高兴认识你 hěn gāo xìng rèn shì nỉ
Quy tắc 3: – Vận mẫu “ iou, uei, uen” khi kết hợp với thanh mẫu thì ta bỏ nguyên âm “o,e” ở giữa đi, cách đọc không thay đổi.
VD: j+ iou => jiu; d+ uei=> dui; z+ uen=> zun
Quy tắc 4: Biến điệu của “不”
- “不”mang thanh 4, nhưng khi kết hợp cùng với từ cũng mang thanh 4 thì “不” đọc thành thanh 2:
Ví dụ: 不是: bú shì; 不对:bú duì ,不错:bú cuò
Quy tắc 5: – Biến điệu của “一”
- Chữ số “一” có thanh gốc là thanh 1: /yī/
- Khi kết hợp với thanh 1,2,3 thì “一” đọc thành thanh 4; ví dụ: 一些:yì xiē
- Khi kết hợp với thanh 4 thì “一” đọc thành thanh 2; ví dụ: 一个: yí gè
II. CÁC NÉT CƠ BẢN TRONG CHỮ HÁN:
Nét chấm (丶): dấu chấm từ trên xuống dưới. Nét ngang (一) : nét thẳng ngang, kéo từ trái sang phải. Nét sổ thẳng (丨): nét thẳng đứng, kéo từ trên xuống dưới. Nét hất (/) : nét cong, đi lên từ trái sang phải, hất từ dưới lên trên Nét phẩy (丿): nét cong, kéo xuống từ phải qua trái. Nét mác: nét thẳng, kéo xuống từ trái qua phải. Nét gập: có một nét gập giữa nét. Nét móc (亅): nét móc lên ở cuối các nét khác.
III. QUY TẮC VIẾT CHỮ HÁN:
Quy tắc 1: Ngang trước, sổ sau Ví dụ chữ 十 (shí : 10). Thì ta ưu tiên viết nét ngang trước 一, sau đó tới nét dọc | nhé. Quy tắc 2: Phẩy trước, mác sau Ví dụ chữ 八 (bā : số 8). Ta cần viết nét xiên trái trước 丿, rồi tới xiên phải 乀. Quy tắc 3: Trên trước, dưới sau Ví dụ, chữ 三 (sān : số 3), sẽ được viết từ trên xuống dưới. Quy tắc 4: Từ trái qua phải Ví dụ 州 (zhōu : châu ), sẽ được viết từng nét theo tứ tự từ trái qua phải. Luôn nhớ quy tắc này, đây là quy tắc rất hay dùng để viết tiếng trung. Quy tắc 5: Ngoài trước, trong sau Ví dụ 風 (fēng : gió ). Viết các nét bên ngoài trước, cũng theo thứ tự từ trái qua phải. Quy tắc 6: Vào nhà trước, đóng cửa sau Quy tắc này chỉ: Cần viết các nét bao quanh trước, sau đó tới 1 nét cuối để đóng lại. Giống như chữ 回(huí : về ) . Quy tắc 7: Giữa trước 2 bên sau Ví dụ 水 (shuǐ : nước)thì 2 bên đều đối xứng. Do đó, ta sẽ viết các nét ở giữa trước.
IV. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT ÂM HAY HƠN:
- Đọc 绕口令
《四和十》 四是四, 十是十 sì shì sì , shí shí shí 四不是十,十不是四 sì bú shì shí ,shí búshì sì 十四是十四, 四十是四十 shísì shì shísì , sìshí shì sìshí 十四不是四十,四十不是十四 shí sì bú shì sì shí ,sì shí bú shì shí sì
- Đọc bài khóa, tiểu thuyết,…
- Lồng tiếng phim, video…
- Tự luyện giọng trước gương
- Tìm bạn Trung Quốc nói chuyện
- Nghe nhiều để quen ngữ điệu, cách nhấn nhá
V. MẸO NHỚ CHỮ HÁN:
Nhỡ chứ Hán thông qua phương pháp chiết tự: VD: 安: trên là bộ miên (宀)để chỉ mái nhà, dưới là bộ nữ (女). Có người phụ nữ trong nhà thì mọi thứ đều an yên. Hoặc người phụ nữ ở trong nhà là an toàn nhất. Nhớ chữ Hán qua bài vè, qua câu chuyện:
- Chữ “ 德” (đức) Chim chích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm.
- Chữ “孝” (hiếu) đất thì là đất bùn ao, ai cắm cây sào sao lại chẳng ngay, con ai mà đứng ở đây, đứng thì chẳng đứng, vịn ngay vào sào.
- Chữ “看”(nhìn, trông nhìn) Tay nào che mắt mi cong, nhìn xa phương ấy chờ mong người về.
- Chữ “囚” (cầm tù): Tường cao bốn bức tù lao, gió chẳng lọt vào, người mỏi mắt trông)
- Chữ “休” (nghỉ ngơi): Nhân tựa mộc, mộc kề nhân. Đố em biết được nên vần chữ chi?
- Chữ “想” (nhớ, nghĩ): Tựa cây mỏi mắt chờ mong, người nơi xa ấy trong lòng có hay?
Nhớ chữ hán thông qua hình ảnh tương tự. VD: 水 nghĩa là nước ( Chữ giống như 3 giọt nước )