
PHƯƠNG PHÁP HỌC NGỮ PHÁP TIẾNG TRUNG
Khi nói tới học ngôn ngữ, chúng ta cần phải quan tâm tới ba khía cạnh chính, chính là: phát âm, từ vựng và NGỮ PHÁP. Chỉ khi chúng ta hoàn thiện cả ba yếu tố này thì mới tạo nên được một tam giác cân hoàn hảo của trình độ ngôn ngữ. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu cách học ngữ pháp tiếng Trung mà có thể sẽ giúp ích được cho các bạn đang thấy quá khó khăn trong việc ghi nhớ hay sử dụng. BƯỚC MỘT, trừ phi bạn có đầu óc của một thiên tài có thể ghi nhớ mãi mãi mọi thông tin qua một lần nhìn, thì đừng bắt đầu học bất kì một thứ gì khi thiếu nơi ghi chép lại kiến thức, mà căn bản nhất là VỞ hay SỔ VIẾT TAY. Điều này không hề thừa thãi. Bất kể giáo trình nào thì cũng đều truyền tải các điểm ngữ pháp theo dạng nhỏ giọt, mỗi bài một hay một số điểm ngữ pháp, có bài về bổ ngữ, có bài về phó từ, có bài lại về mẫu câu so sánh, … Vậy nhiệm vụ của người học là phải tự mình TỔNG HỢP lại tất cả những điểm ngữ pháp đó theo các CỤM để dễ ghi nhớ hơn. Chẳng hạn, có thể phân bổ cuốn sổ từ trang 1-20 sẽ là ghi chép các loại bổ ngữ, trang 21-30 là các phó từ đặc biệt, trang 31-40 là các cấu trúc câu đặc biệt (把,被,câu kiêm ngữ, câu liên động… …) . Sau khi hoàn thành học xong một bộ giáo trình, bạn đã có đầy đủ những điểm ngữ pháp cơ bản của Hán ngữ hiện đại. Lúc này, hãy giở lại cuốn sổ của mình, đọc kĩ lại từng mục, và bạn sẽ vỡ lẽ ra rất nhiều. Chính bản thân tôi, sau khi tự viết lại vào sổ từ khi bắt đầu học Hán 1, thì tôi đã có thể tự mình hệ thống lại các loại câu và cách dùng từ đặc biệt của tiếng Trung. Và cụ thể là gì, xin mời tới bước 2. BƯỚC HAI, học cách XÂU CHUỖI các điểm ngữ pháp theo một HỆ THỐNG thay vì học độc lập. Nếu chăm chỉ viết lại các kiến thức ngữ pháp trong giáo trình thì bạn sau cùng sẽ có khả năng đúc kết như sau. Với Hán ngữ hiện đại, xét về cấu trúc câu thì có thể chia ra câu cấu trúc CƠ BẢN và câu có cấu trúc ĐẶC BIỆT (xét về câu đơn). Cấu trúc cơ bản sẽ tuân thủ 1 chủ – 1 vị – 1 tân, còn câu đặc biệt hoặc thứ tự thành phần câu sẽ bị đảo lộn, hoặc không tuân thủ theo số lượng 1-1-1 như trên. Tạm dừng tại đây để nói về một lưu ý, sẽ có bạn nhầm tưởng câu sau là một câu đặc biệt: 玛丽、麦克和我都喜欢吃牛肉面和酸辣面。(Mary, Mike và tôi đều thích ăn mì bò với mì chua cay.) Đó là vì các bạn cho rằng có ba chủ vị và hai tân ngữ. Tuy nhiên, “玛丽、麦克和我” và “牛肉面和酸辣面” đều là các cụm danh từ, và các cụm này đảm nhiệm vai trò CHỦ – TÂN. Vì thế, câu này vẫn chỉ có một chủ và một tân. Quay trở lại với vấn đề cấu trúc câu, trước tiên là nắm rõ được loại câu là CƠ BẢN hay ĐẶC BIỆT, tiếp đến là THỨ TỰ thành phần câu sẽ được mô phỏng qua hình vẽ đoàn tàu sau đây:
Ba toa CHỦ – VỊ – TÂN là ba toa sống còn, còn lại sẽ có những đường nối các toa lại để giúp đoàn tàu được trở nên hoàn chỉnh, thì đó chính là TRẠNG NGỮ và BỔ NGỮ. Và tôi đảm bảo với bạn rằng, mọi điểm ngữ pháp đều xoay quanh những gì tôi vừa chia sẻ, hoặc là một cấu trúc đặc biệt, hoặc là một từ ngữ đảm nhiệm vai trò trạng ngữ, hoặc một loại bổ ngữ nào đó. Vậy từ hệ thống trên, bạn hoàn toàn có thể dễ dàng nhớ được mình đã học cái gì và áp dụng nó ra sao. BƯỚC BA, bước này cụ thể hơn rồi: GHI CHÉP thông minh. Khi học một điểm ngữ pháp mới, đầu tiên hãy PHÂN LOẠI nó nằm ở đâu trong quyển sổ của chúng ta (hãy đọc lại ví dụ ở bước một nhé). Tiếp theo, dù đó là một phó từ, một trợ từ hay bổ ngữ, thì nên GHI CHÉP đầy đủ CẤU TRÚC dạng khẳng định, phủ định, nghi vấn (nếu có), và kèm theo thật nhiều VÍ DỤ!!! Luôn luôn đặt ví dụ, càng nhiều càng tốt. Dùng nhiều MÀU BÚT để phân biệt các thành phần câu, nổi bật rõ được vai trò của điểm ngữ pháp vừa học! Ví dụ, khi ghi ví dụ của BỔ NGỮ THỜI LƯỢNG: CHỦ NGỮ + ĐỘNG TỪ + (了) + BNTL + TÂN NGỮ (vật) (了) 我 学 了 半年 汉语 了。 TÔI ĐÃ HỌC NỬA NĂM TIẾNG HÁN RỒI. BƯỚC BỐN, thử TƯ DUY xem điểm ngữ pháp này có GIỐNG hay NGƯỢC lại với tiếng Việt, thậm chí tiếng Anh nếu bạn giỏi nó. Cố gắng nhiều điểm tương đồng nhất có thể giữa tiếng Hán và một loại ngôn ngữ bạn quen thuộc, điều này giúp bạn dễ nhớ hơn rất nhiều! Chẳng hạn, thay vì nhớ 了 với quá nhiều lí thuyết, thì tôi đã quy ra 了1 là RỒI, 了2 là ĐÃ hoặc SAU KHI:
- 我吃饭了。 – Tôi ăn cơm RỒI.
- 我昨天买了两本书。- Hôm qua tôi ĐÃ mua hai quyển sách.
- 我刚才吃了饭了,现在不想吃什么了。- Vừa nãy tôi ĐÃ ăn RỒI, bây giờ không muốn ăn gì nữa.
- 我等会儿吃了饭就去看电影。- Lát nữa SAU KHI ăn cơm thì tôi đi xem phim.
Sau khi quy đổi sang tiếng Việt như thế, việc nhớ lại 4 câu ví dụ điển hình này không còn quá khó khăn. Và các bạn cũng nên áp dụng như thể. (Tất nhiên nó chỉ là tương đối, vì ví dụ nếu câu 4 thêm 了1 cuối câu thì không dịch là RỒI, mà nó chỉ thể hiện sự việc đó ở quá khứ) BƯỚC NĂM, LUYỆN TẬP là chìa khóa. Luyện tập bao gồm VIẾT và NÓI. Đầu tiên, hãy làm bài tập sau giáo trình thật nhiều, luyện đề trên mạng và tập NÓI ra những câu hoàn chỉnh. Đừng để việc học ngữ pháp chỉ dừng ở việc CHÉP và HỌC THUỘC. Hãy biến nó sinh động hơn bằng cách NÓI ra các câu, thậm chí các đoạn văn. Tóm lại, hãy CHUẨN BỊ đầy đủ, GHI CHÉP thông minh, HỆ THỐNG bài bản, TƯ DUY sáng tạo và LUYỆN TẬP chăm chỉ, đó chính là cách chúng ta có thể học được mọi thứ. Chúc các bạn thành công!
Tiếng trung Anfa : https://tiengtrungcoban.vn
Fanpage: ANFA – TIẾNG TRUNG CƠ BẢN
Địa chỉ: Chùa Láng, Đống Đa . 096 568 52 66
Tag:hiệu quả, học, ngữ pháp, phương pháp, tiếng Trung